Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về tiêu chuẩn cán bộ

2040

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người cán bộ cách mạng, bởi mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ và công tác cán bộ. Người cán bộ phải có những tiêu chuẩn nhất định, phải tự giác rèn luyện về mọi mặt, luôn phấn đấu nâng cao phẩm chất, năng lực để xứng đáng với vị trí, vai trò của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho quan điểm của Đảng ta về tiêu chuẩn cán bộ; mang tính toàn diện, khoa học theo quan điểm triết học của chủ nghĩa Mác-Lênin.

 

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với những tiêu chí xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng

1.1 Người cán bộ phải yêu nước, thương dân, có đạo đức cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trước hết ở người cán bộ cách mạng là vấn đề đạo đức. Đối với người cán bộ, nếu thiếu hoặc yếu về đạo đức cách mạng thì không thể làm tốt những công việc được giao. Đạo đức là hết sức cần thiết cho tất cả mọi người và đặc biệt cần thiết cho người cán bộ, “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(1). Chỉ khi có đạo đức cách mạng thì cán bộ mới có đủ động lực, điều kiện làm cách mạng “Muốn giải phóng dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”(2).

Tiêu chí đạo đức người cán bộ cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra hết sức cụ thể, đó là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, mỗi người cán bộ phải hội đủ các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người cách mạng bước vào vị thế người cán bộ không phải để làm quan cách mạng hay cầu mong lợi lộc, mà phải hiểu rằng, cán bộ trong các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều là công bộc của dân, gánh vác công việc chung cho nhân dân, chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân, phải là người lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ. Người cán bộ cách mạng phải luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, phấn đấu hy sinh cho đồng bào, dân tộc với những lời dạy của Người: “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”(3).

Để phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng, người cán bộ phải luôn cảnh giác, phòng tránh những suy nghĩ và việc làm không đúng như: địa phương chủ nghĩa, bè phái, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, lãng phí. Con đường hoàn thiện tư cách đạo đức cách mạng của người cán bộ phải gắn với các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân; gần dân, lo trước dân, học tập dân là những việc làm thường xuyên của mỗi người cán bộ. “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là cái nền, cái gốc của người cán bộ cách mạng. Trung với nước, hiếu với dân, người cán bộ phải là đầy tớ của nhân dân, dũng cảm hy sinh, không sợ khó khăn, gian khổ, gạt bỏ lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, khiêm tốn học hỏi, không tự cao, tự đại, cần, kiệm, liêm, chính và tinh thần đoàn kết hữu nghị.

1.2  Người cán bộ phải có năng lực tổ chức thực tiễn

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải luôn rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực hành để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Năng lực của người cán bộ cách mạng là khả năng tập hợp quần chúng, lãnh đạo, quản lý, tổ chức, động viên quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Làm cán bộ phải luôn học hỏi “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân” và phải cần có sự giúp đỡ của dân, vì “dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(5).

Năng lực tổ chức thực tiễn của người cán bộ được thể hiện ở những nội dung như: quyết định của cán bộ có đúng, trúng không; có được tổ chức thực hiện và được nhân dân đồng lòng làm theo không; có được kiểm soát, kiểm tra hay là quyết định của cán bộ theo kiểu đánh trống xong là vứt bỏ dùi. Để quyết định vấn đề một cách đúng đắn thì cần phải có năng lực, trí tuệ, nắm được thông tin và xử lý thông tin, đưa ra phương án để lựa chọn, quyết định.

Người cán bộ còn phải biết: “Một là, liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là, liên hiệp người lãnh đạo với quần chúng”(6).

Trong Di chúc trước lúc đi xa, Người để lại những lời căn dặn tâm huyết đối với thế hệ trẻ “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”(7). 

Người cán bộ có lý tưởng cách mạng, có mục tiêu phấn đấu sẽ có nhiều sáng kiến làm lợi cho quốc gia, dân tộc, bởi:  “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực”(8).

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức của người cán bộ cách mạng là đạo đức hành động chứ không phải là điều mong muốn, là lời nói suông. Do đó, đức phải gắn liền với tài. Trong mối quan hệ biện chứng của chúng, đức là nhân tố làm cho tài năng trở nên hữu ích đối với con người và xã hội.

1.3 Người cán bộ phải có trình độ lý luận

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ lý luận. Để nâng cao trình độ lý luận thì mỗi cán bộ phải có thái độ học tập lý luận cho đúng mà trước hết là nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà. Người đã dạy: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong học tập”(9). Là người cán bộ, cần học tập để nâng cao lý luận, tránh thuộc lòng hay mô tả lý luận mà phải khái quát, tìm ra quy luật của vấn đề, làm phong phú lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn.

1.4  Người cán bộ phải có phong cách

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách của người cán bộ được thể hiện ở các yêu cầu như tác phong quần chúng, dân chủ, thẳng thắn, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát, thận trọng, nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn, thường xuyên nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Trong phong cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ, Người lưu ý phải chống bệnh hẹp hòi, phải biết hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích của Tổ quốc và vì nhân dân, để phục vụ Đảng và Nhà nước. Phong cách làm việc của cán bộ phải đề cao tính đảng; mọi hoạt động của cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc.

  1. Chủ trương của Đảng ta về xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên

Đảng ta đã kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng người cán bộ và đội ngũ cán bộ. Trong tình hình hiện nay, với những chủ trương, giải pháp hợp lý, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã thể hiện rõ quyết tâm lãnh đạo hệ thống chính trị dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, có năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức tốt, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

2.1 Về tư cách đạo đức cách mạng của cán bộ

Việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng luôn được Đảng ta “coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”(10).

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(11). Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý, các cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm về kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập; kiên quyết thu hồi tiền, tài sản bị tham nhũng,… Đồng thời, đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

2.2 Về năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ

 Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới (12). Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, ban hành cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới… Khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài. Thực hiện hiệu quả việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức.

2.3 Về nâng cao trình độ lý luận của cán bộ

Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ việc đổi mới công tác tư tưởng, lý luận(13), đó là: tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch.

Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp trung ương. Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.

2.4 Về xây dựng phong cách người cán bộ

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”(14).

Văn kiện khẳng định việc: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(15), đó là: thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể; giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát, kiểm soát để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong Đảng và hệ thống chính trị.

Quán triệt và nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp,… Tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,… để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.

ThS. Trương Thị Thu Hà – Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Ngọc Sáu – ST

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây